Trong những năm gần đây, tình trạng dự án căn hộ chung cư tự gán mác “căn hộ hạng sang, chung cư cao cấp” diễn ra ngày càng phổ biến. Đặc biệt trong bối cảnh đầu tư mở bán căn hộ hình thành trong tương lai, người mua nhà càng dễ bị nhầm lẫn và mua phải các sản phẩm khác xa quảng cáo.
Quảng cáo một đằng, căn hộ một nẻo?
Theo khuyến nghị từ Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh – HoREA, nhiều năm qua trên thị trường bất động sản phổ biến tình trạng “loạn” danh xưng hay tự phong “căn hộ cao cấp, căn hộ hạng sang, chung cư siêu sang”. Các quảng cáo về căn hộ siêu sang nhan nhản bằng cả tiếng Anh với các mỹ từ như ‘Luxury”, “Premier”, “Royal”… được coi là các thủ thuật, mánh khóe marketing để quảng bá sản phẩm và câu khách.
Thực tế, trên thị trường có khá ít các dự án địa ốc đạt chuẩn cao cấp hay chuẩn “khu đô thị kiểu mẫu” đảm bảo chất lượng, tiện ích, quy hoạch và thiết kế. Như vậy, loạt dự án tự xưng “căn hộ cao cấp, căn hộ hạng sang” thực chất chỉ là những chiêu trò quảng cáo do đơn vị tự đưa ra mà không hề được tuân theo tiêu chuẩn hoặc được cơ quan chức năng có thẩm quyền đánh giá và công nhận.
Với tình trạng này thì rõ ràng đơn vị chủ đầu tư đã cung cấp thông tin không chính xác, vi phạm các hành vi nghiêm cấm tại Khoản 13 Điều 6 Luật Nhà ở 2014 và đồng thời vi phạm các hành vi bị cấm tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 8 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 vì “ Không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin Bất động sản” và có biểu hiện “Gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản”, khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn và thiệt hại quyền lợi khi mua nhà.
Thông tư 31/2016 TT-BXD của Bộ Xây dựng về “Quy định việc phân hạng và công nhận hạng nhà chung cư” có đề cập tới phân loại nhà chung cư nhưng ít có chủ đầu tư dự án hay Ban quản trị chung cư lập hồ sơ đề xuất để phân hạng chung cư. Do đó, không ít các trường hợp người dân mua căn hộ bị “vỡ mộng”. Có thể kể đến loạt chung cư “cao cấp” như Hòa Bình Green City (Hà Nội) – người mua nhà chưa được nhận sổ đổ, nước sinh hoạt nhiễm bẩn, chất lượng công trình xuống cấp. Số phận của những người mua chung cư Saigon Pearl (TP.HCM) cũng tương tự khi mua căn hộ với giá trên trời nhưng chất lượng và tiện ích thì lại tỉ lệ nghịch và khác xa quảng cáo.
Kiến nghị Bộ xây dựng cần có tiêu chí phân loại rõ ràng
Mặc dù Bộ xây dựng đã có thông tư về phân loại chung cư song các tiêu chí phân hạng này lại chỉ áp dụng với các dự án đã xây dựng xong hoặc đã bàn giao cho khách hàng. Còn đối với loại hình chung cư hình thành trong tương lai – loại hình khiến khách hàng dễ bị “lừa” nhất thì Bộ vẫn chưa quy định. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn này, HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, sửa đổi và bổ sung:
Thứ nhất, Thông tư 31/2016 để có các quy định cụ thể xác định “nhà chung cư cao cấp”, “căn hộ siêu sang”, “căn hộ hạng sang”… đi kèm các từ nước ngoài tương đương đối với loại hình chung cư đã hình thành và cả hình thành trong tương lai. Việc quy định này sẽ đảm bảo thông tin minh mạch, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường bất động sản và đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà.
Thứ hai, sửa đổi bổ sung Điều 55 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 theo hướng: chủ đầu tư dự án nhà ở chung cư hình thành trong tương lai chỉ được quảng cáo, tiếp thị dự án với các danh xưng như “căn hộ cao cấp, căn hộ hạng sang, căn hộ hạng siêu sang… sau khi đã được Bộ xây dựng công nhận bằng văn bản.
Thứ ba, kiến nghị bộ Xây dựng sửa đổi bổ sung Khoản 2 Điều 98 Luật Nhà ở 2014 theo hướng quy định các tiêu chí cụ thể để đánh giá các danh xưng “căn hộ cao cấp, căn hộ hạng sang, căn hộ siêu sang…” để đảm bảo sự minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trong thị trường địa ốc và đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà.
Cityapartment.com.vn