Dựa trên các nền tảng đã có về thể chế, kinh tế và cơ sở hạ tầng Khu đô thị thông minh tại TP. HCM sẽ tích hợp quận 9 (Khu công nghệ cao), quận 2 (khu đô thị mới và trung tâm tài chính Thủ Thiêm), và quận Thủ Đức (12 trường đại học) làm hạt nhân để triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Hình thành khu đô thị sáng tạo tại TP. Hồ Chí Minh
Tại hội thảo xúc tiến đầu tư và TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư Thành ủy TP. HCM đã nhấn mạnh: “Năm 2018 sẽ là một năm bản lề đối với thành phố TP.HCM và cả nước. Song song với việc rà soát 7 chương trình đột phá, thành phố sẽ đánh giá lại tiến độ, đề xuất giải pháp phù hợp với cơ chế mới. Chúng ta có một số giải pháp mới là việc thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù và dự án đô thị thông minh”.
“Xây dựng khu đô thị sáng tạo gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức không chỉ có mối quan hệ về hành chính mà còn là đặc thù phát triển của thành phố. Nếu không kết nối ưu điểm của các quận này thì các ý tưởng khởi nghiệp sẽ không ra được thị trường, gây lãng phí chất xám và giá trị công sản cũng không được sử dụng tối đa”, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nói tại hội thảo quốc tế Khu đô thị sáng tạo tại TP.HCM 12/4.
Theo đó, Nghị quyết 54 sẽ là tiền đề để phát huy các đặc thù của thành phố, cho địa phương tự chi ngân sách, phục vụ người dân tốt hơn. Quốc hội cũng tạo điều kiện và cơ chế để thành phố vay vốn ngân sách để đầu tư hạ tầng giúp đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thông.
Một giải pháp quan trọng là thành phố sẽ huy động lực lượng tư vấn trong nước và ngoài nước để thiết kế một khu đô thị sáng tạo TP.HCM tích hợp các quận 9 (Khu công nghệ cao), quận 2 (Khu đô thị mới với trung tâm tài chính Thủ Thiêm), quận Thủ Đức (12 trường đại học với trên 12.000 tiến sĩ, giảng viên và 70.000 sinh viên). Khu đô thị sáng tạo với dân số gần 1 triệu người sẽ làm hạt nhân để thành phố triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Khu Đông hội đủ các yếu tố để xây dựng khu đô thị sáng tạo
Khu Đông có những lợi thế sẵn có và ngày càng phát triển hơn, như ĐHQG TP.HCM sẽ xây dựng mới và lớn hơn trong thời gian tới. Thủ Thiêm cũng dự kiến thay thế trung tâm thành phố, không kết nối thành một đô thị sáng tạo sẽ gây lãng phí lớn. Quận 9 hiện có khu công nghệ cao lớn thứ 2 cả nước với hơn 700ha, 6 tỷ USD vố đầu tư; Quận Thủ Đức có 12 trường đại học, trung tâm ĐHQG, 2 quận này tạo nên 2 cực công nghệ và trí tuệ kết hợp với trung tâm hành chính Thủ Thiêm quận 2 sẽ trở thành khu đô thị thông minh và là trung tâm để các doanh nghiệp khởi nghiệp.Để triển khai thực hiện dự án, TP.HCM đã giao quận Thủ Đức phối hợp với các cơ quan liên quan để tập trung tháo gỡ những khó khăn liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Song song với đó, Sở quy hoạch – kiến trúc TP. HCM được giao chủ trì, phối hợp với ĐHQG HCM nghiên cứu, rà soát đề án quy hoạch khu Đông Bắc TP. HCM thành khu đô thị sáng tạo.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đã bắt đầu tiếp xúc và thảo luận với các đối tác để hình thành khung nghiên cứu cho đề tài và tổng hợp các nghiên cứu tổng thể về TP. HCM và khu Đông. Quá trình này không chỉ giúp thu thập tài liệu, công trình nghiên cứ mà còn thu hút mạng lưới học giả, những người có kinh nghiệm thực tế về chủ đề này.
Hạ tầng phải được triển khai trước
Bàn về việc triển khai khu đô thị thông minh, các chuyên gia cho rằng để đề án có hiệu quả thì chính quyền thành phố cần tập trung xây dựng hoàn thành các tuyến đường trọng yếu, đường vành đai xuyên tâm, hình thành mạng lưới giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng tuyến đường sắt trên cao, tuyến tàu điện ngầm, mở rộng và quy hoạch các khu cảng phía Đông. Mặt khác, chính quyền cũng cần đưa ra các biện pháp quyết liệt, yêu cầu các ban ngành liên quan lưu ý về sự đồng bộ trong công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng để tránh quá tải về hạ tầng.Trong chiến lược 2018, Sở giao thông vận tải TP.HCM sẽ đẩy nhanh xây dựng và hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm, giải tuyết ùn tắc và đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị trên địa bàn. Trong đó, các dự án giao thông tại khu đông thành phố sẽ được ưu tiên hoàn thành gồm có: Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; Đường Vành đai 2; cầu Thủ Thiêm 2; dự án 4 tuyến đường quanh Khu đô thị Thủ Thiêm… Trong giai đoạn 2018 – 2020, Sở GTVT cũng sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng phía Đông như mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, xây dựng đường nối từ cảng Cát Lái ra đường Vành đai 2; nâng cấp đường Nguyễn Thị Định; mở rộng đường Tô Ngọc Vân… Bên cạnh đó, các loại hình vận tải khối lượng lớn cũng đang được hình thành như dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 hoạt động dọc cửa ngõ phía Đông từ quận 1 – Bình Thạnh đến Quận 2, 9 và Thủ Đức, tuyến đường sắt đô thị số 3B…
Như vậy, với hàng loạt các biến đổi và nâng cấp về giao thông thì bộ mặt đô thị trong khu vực sẽ thay đổi theo và tạo tiền đề vững chắc cho các đề án về hạ tầng trong khu vực.
Cityapartment.com.vn